Thực hư chuyện lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam có chất cấm.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) khẳng định, lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam đều an toàn và không sử dụng thức ăn có chất cấm.
Một số thông tin cho rằng, lô lợn sống đầu tiên mới nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam có những chất cấm và sẽ phải cách ly 45 ngày để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã bác bỏ thông tin về việc lợn Thái Lan nhập về Việt Nam sử dụng thức ăn có chất cấm, và khẳng định lợn nhập khẩu về nước đều an toàn.
Cục Thú y cho biết, lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan về Việt Nam đều có chứng nhận không sử dụng thức ăn có các chất cấm trong chăn nuôi theo quy định của cả hai nước.
Theo thỏa thuận về yêu cầu vệ sinh thú y đối với lợn thịt nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về an toàn dịch bệnh, còn phải có nguồn gốc từ các trang trại được quản lý theo tiêu chuẩn của Thái Lan về Thực hành Nông nghiệp tốt (GAP) và được Cơ quan Thú y có thẩm quyền của Thái Lan kiểm soát, chứng nhận lợn sống không sử dụng thức ăn có các chất cấm trong chăn nuôi theo quy định của Thái Lan và Việt Nam.
Cục Thú y cũng khẳng định, cơ quan Thú y Việt Nam và Thái Lan đã thống nhất về các yêu cầu vệ sinh thú y đối với việc xuất khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm và không có vướng mắc gì.
Dự kiến, lô lợn sống sẽ được vận chuyển từ cơ sở nuôi cách ly tại tỉnh Nghệ An về tỉnh Hà Nam - nơi có chợ đầu mối buôn bán gia súc, gia cầm lớn nhất miền Bắc - để tiêu thụ.
Lô lợn sống đầu tiên này được xuất bán hết tại chợ đầu mối ở Hà Nam với giá từ 81.000 - 84.000 đồng/kg. Mức giá này hiện đang thấp hơn giá lợn hơi trong nước gần chục nghìn đồng mỗi kg.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp chăn nuôi và kinh doanh lợn, trong ngắn hạn, giá thịt lợn tại thị trường Việt Nam khó giảm mạnh thêm, do nguồn lợn thịt Thái Lan còn rất ít. Hiện, giá lợn thịt tại nước này cũng đã chạm mốc 70.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng so với trước đây.
Ông Nguyễn Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, theo thỏa thuận giữa Cục Thú y Việt Nam và Cục Thú y Thái Lan, các yêu cầu đối với lợn sống xuất khẩu của các công ty từ Thái Lan sang Việt Nam phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm; được vận chuyển bằng xe chuyên dụng đến các cửa khẩu của Việt Nam; phương tiện vận chuyển lợn phải được vệ sinh và tiêu độc khử trùng.
Theo quy định, lợn thịt nhập khẩu từ Thái Lan sẽ được nuôi ở khu cách ly kiểm dịch. Sau đó sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả âm tính với dịch tả lợn Châu Phi và các bệnh trên lợn thì cơ quan thú y sẽ cấp chứng nhận đảm bảo điều kiện đưa đi giết mổ./
Theo Trần Ngọc VOV(nguồn cafef)
- Hàm lượng lipid trong thức ăn thủy sản (04.09.2020)
- Premix A701 cho cá nước ngọt ( các loại cá có vảy) (08.09.2020)
- Chuyên mục chia sẻ thông tin về nuôi gà (05.08.2020)
- Tìm hiểu về loài Lươn (26.07.2020)
- Mô hình nuôi lươn không bùn hiệu quả kinh tế cao. (30.07.2020)
- Tình hình sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi heo năm 2020 (18.03.2020)
- Tầm quan trọng của thận đối với sức khỏe gia cầm trong chăn nuôi (18.03.2020)
- Nhu cầu dinh dưỡng và các dạng thức ăn tăng trọng cho bò (18.03.2020)
- Nghề nuôi lươn đồng truyền thống và những điều cần biết. (28.07.2020)